Bình Liêu là một huyện nằm ở cửa ngỏ phía đông của tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội đến tận 270 km, cách thành phố Hạ Long 108km.
Mặc dù là một huyện của tỉnh Quảng Ninh tuy nhiên do là một huyện miền núi nên khí hậu của Bình Liêu có khá nhiều sự khác biệt so với nền khí hậu chung trên toàn tỉnh. Mùa hè có nắng nhưng thời tiết vô cùng mát mẻ và dễ chịu, mùa đông nhiệt độ đôi khi xuống rất thấp, không kém gì các vùng đồi núi Tây Bắc như Sapa.
Bình Liêu không chỉ được biết đến với cỏ lau mà còn nổi tiếng với món trám đen.
Thơm, bùi, ngậy, đậm đà là hương vị hấp dẫn khó quên mà nhiều người đều cảm nhận khi được thưởng thức món trám đen, một đặc sản độc đáo tại huyện miền núi, biên giới Bình Liêu.
Trám đen là cây thân mộc, mọc thẳng đứng, thuộc loại cây lưu niên có thể sống trên một trăm năm, ra hoa vào tháng hai, chín quả vào tháng bảy, tháng tám. Quả trám đen có hình thoi, 2 đầu nhọn, khi chín vỏ có màu đen bóng, thịt màu tím đỏ, trong hạt có nhân màu trắng.
Trám đen có giá bán trên thị trường dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg: “Ngày xưa trám đen chỉ để gia đình ăn, mấy năm nay trám đen ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng nên gia đình tôi thường hái để đem ra chợ bán. Mỗi cân trám đen đầu mùa bán được khoảng 80.000 đồng. Cây trám ở nhà cũng cho thu hoạch hằng năm khoảng 10-20kg”.
Để biến trám đen thành món ăn ngon thì người chế biến phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Quả trám đen khi mua về phải được rửa sạch, sau đó ngâm trong nước nóng với nhiệt độ khoảng 70 độ C. Sau khi ngâm khoảng 15-20 phút có thể vớt ra. Lúc này quả mới mềm dễ bóc lớp vỏ mỏng và tách hạt. Trám đen chín đúng độ cho cùi không rắn, không nát, dùng dao nhỏ có thể dễ dàng tách thịt trám khỏi hạt. Điều đặc biệt, người chế biến cần lưu ý bởi nếu ngâm trám quá lâu hay ngâm trong nước quá nóng quả sẽ trở nên cứng, không thể ăn được. Ngược lại, nhiệt độ nước thấp món trám đen cũng không thành.
Trám đen là món ăn ngon. Qua khâu chế biến, người dân địa phương bóp với muối và dùng ăn kèm với cháo trắng hoặc dùng để chấm thịt gà. Quả trám đen được trộn với lượng muối vừa đủ có thể để được quanh năm trong lọ mà không bị mốc và hỏng.
Ngoài ra, trám đen còn được chế biến thành nhiều món ăn khác, trong đó có món trám đen nhồi thịt. Cách chế biến là ngâm mềm rồi dùng dao bổ dọc thân quả lấy thịt, bỏ hột. Sau đó xay thịt nhỏ, thêm mộc nhĩ, nấm hương băm nhỏ, một chút hành khô đập dập. Trộn đều tất cả các nguyên liệu, nêm một chút gia vị. Nhồi hỗn hợp thịt đã trộn vào quả trám. Cho dầu vào chảo đun nóng, sau đó cho trám vào chảo rán. Khi thịt bên trong đã chín, xếp lần lượt từng quả ra đĩa cho đẹp mắt. Hoặc nếu không thích ăn rán có thể hấp chín trong khoảng 7-10 phút. Trám đen được ăn lúc còn nóng và chấm kèm nước mắm ớt.
Trám đen là món ăn ngon, du khách không nên bỏ qua hương vị của món ăn này khi đến thăm Bình Liêu.