THƯỞNG THỨC TOP 8 MÓN NGON KHÔNG THỂ BỎ LỠ KHI TỚI CAO BẰNG

1: Vịt quay 7 vị
Tới đây mà không thưởng thức vịt quay 7 vị thì chưa được gọi là tới Cao Bằng. Có cái tên vịt quay 7 vị sở dĩ là vì người Cao Bằng ướp món thịt vịt bằng 7 gia vị khác nhau và những gia vị này là bí quyết của người dân nơi đây tạo nên một món thịt thơm ngon hấp dẫn. Từ khâu chọn thịt, người Cao Bằng đã rất kỹ tính vì thịt phải chắc và sáng lông thì thành phẩm mới ngon đúng điệu. Sau khi quết một lớp áo bằng mật ong, vịt sẽ được mang đi quay. Những miếng thịt dai nhưng mềm, óng ánh, béo ngậy, thơm nức mũi sẽ khiến vị giác của bạn rộn ràng ngay từ những giây phút đầu tiên nếm thử.
                
2: Xôi trám 
Xôi xéo, xôi ngô hay xôi lạc là những món xôi đã quá quen thuộc với các hàng quán mà mỗi ngày đi học, đi làm chúng ta đều có thể thấy. Nhưng với xôi trám thì có lẽ chỉ có thể lên Cao Bằng bạn mới có thể thưởng thức đúng vị món ăn này. Mùa thu là mùa nở rộ của những trái trám, vào thời điểm này, người dân Cao Bằng cùng nhau lên rừng hái trám về làm món xôi thơm ngon. Từng quả trám chín mọng, không bị sâu được đem ngâm nước ở nhiệt độ 25 – 30 độ C cho mềm rồi lấy phần thịt trám bỏ hạt trộn với xôi đã đồ nhuyễn tạo ra một màu tím hồng bắt mắt. Mùi thơm của xôi hòa quyệt vị béo ngọt của quả trám tạo thành một tuyệt phẩm xôi ăn hoài không chán.
               
3: Phở chua
Phở chua không chỉ là đặc sản của Cao Bằng mà còn nằm trong danh sách những món ăn đặc sản của Việt Nam. Là một món ăn được chế biến khá cầu kỳ và mới lạ nên khi tới Cao Bằng, bạn hãy thử món ăn này nhé. Nguyên liệu của phở chua bao gồm bánh phở, thịt lợn, vịt quay, gan lợn, miến dong, khoai tàu, lạc rang và các loại rau thơm. 
Nguyên liệu chính của một tô phở chua ngon là bánh phở chế biến làm sao cho bánh giữ được độ dẻo và dai, không nát. Thịt lợn được chọn là thịt ba chỉ, được tẩm ướp rồi rán giòn. Vịt quay được ướp gia vị quết mật ong lên thân vịt, lá hoặc quả mác mật, hạt dổi được ướp trong bụng vịt rồi quay lên thơm mùi vị rất lạ. Gan lợn thái mỏng, rán sém mặt; dạ dày lợn làm sạch, luộc qua rán. Miến dong được lựa là miến có màu hơi sậm, khoai tài thái chỉ, rán qua cho khoai vàng và giòn. Sau khi chế biến xong, các nguyên liệu sẽ được xếp ra tô rồi rắc lạc rang đã giã lên trên ăn kèm cùng các loại rau thơm như: rau mùi, húng bạc hà, dưa chuột,… Món ăn thơm ngon và giàu dinh dưỡng này sẽ nằm trong thực đơn khi bạn ghé thăm Cao bằng chứ???
               
4: Bánh cuốn
Nhắc tới Cao Bằng không thể không nhắc đến món bánh cuốn nổi tiếng tại đây. Nguyên liệu chính làm nên món bánh cuốn là gạo tẻ trắng, hạt đều, dẻo thơm và dai. Gạo đem đi ngâm, vo sạch rồi đem xay ướt. Bột nước xay xong phải sánh, dẻo đảm bảo bánh vừa dai và mềm. Nhân bánh là thịt lợn được băm nhỏ rang với hành khô cho dậy mùi thơm. Nước canh được ninh từ xương lợn vừa trong, vừa đậm đà vị ngọt. 
Khi nồi bột sôi lên, người bán múc một muôi bột tráng đều lên mặt khuôn rồi đậy vung lại, khoảng 2 phút mở vung ra rồi dùng thanh tre mỏng khéo léo lấy bánh lên khỏi khuôn bỏ lên mâm, rồi lại múc một muôi bột đổ lên khuôn. Bánh trên mâm được rải đều một lớp thịt bên trong và cuốn lại cho ra đĩa. Bánh cuốn Cao Bằng được ăn với nước canh ninh xương kèm giò, chả và trứng. Bát nước canh được thêm một thìa thịt băm và thêm một ít rau mùi, hành. Món này ăn kèm măng ngâm chua cay mặn ngọt thì ngon nhức nách.
               
5: Bánh trứng kiến
Nghe tên bánh trứng kiến có lẽ nhiều người sẽ thấy hơi e dè khi nếm thử món ăn này, nhưng khi đã ăn rồi thì hương vị thơm ngậy sẽ khiến bạn không thể chối từ. Nguyên liệu để làm ra những miếng bánh trứng kiến chỉ từ bột nếp, lá của cây vả và quan trọng nhất chính là trứng kiến. 
Những con kiến được lựa chọn lấy trứng là những con kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn, thường làm tổ trên cây vầu. Người dân nơi đây sẽ mang những con kiến này phi thơm cùng một chút lá hẹ rồi rắc lên lớp bột và đem đi hấp. Khi bánh chín, mùi thơm của lá vả hòa cùng sự dẻo mềm của bột nếp quyện với vị béo ngậy của trứng kiến tạo nên một món bánh vô cùng đặc trưng tại Cao Bằng.
               
6: Bánh áp chao
Bánh áp chao là món bánh đặc sản của vùng đất Cao Bằng, đặc biệt được ưa chuộng vào mùa đông vì sự nóng hổi của nó giúp xua tan cái lạnh giá của vùng đồi núi. Những chiếc bánh vàng thơm với phần vỏ bánh là hỗn hợp của gạo nếp, gạo tẻ và đỗ tương giòn rụm bên ngoài, bên trong lớp bánh mềm là nhân thịt vịt ngọt bùi đã được tẩm ướp gia vị và cắt thành miếng nhỏ. 
Thả từng miếng bánh vào chảo dầu sôi, chao qua chao lại đến khi bánh đổi màu vàng ruộm thì vớt ra để ráo mỡ rồi thưởng thức khi còn nóng. Phải ăn kèm bánh với nước mắm chua ngọt, đu đủ bào sợi, rau thơm các loại mới thấy được sức hấp dẫn của nó. Đến Cao Bằng, đặc biệt là vào mùa đông, bạn sẽ bắt gặp hàng quán ven đường đâu đâu cũng xuất hiện món bánh áp chao thơm ngất ngây giống như thương hiệu của Cao Bằng vậy, thử tạt ngang một quán nào đó rồi thưởng thức món bánh hấp dẫn này nhé, chắc chắn bạn sẽ không hối tiếc.
              
7: Rau dạ hiến
Rau dạ hiến hay còn gọi là bò khai, khau hương  mọc trên núi đá không cần chăm sóc mà vẫn vươn mình tỏa đi khắp nơi xanh mơn mởn. Tuy là một loài rau dại nhưng mùi vị của nó thì rất ngon đặc biệt là khi được xào chung với thịt bò, tôm, mực,… Ngoài ra, lên Cao Bằng, bạn sẽ được thưởng thức món rau này ăn kèm với các món lẩu hay các món canh. Mùi vị đặc trưng của rau dạ hiến là vị ngai ngái, cùng với đó là sự thơm nồng, giòn và một chút thanh nhẹ. Bạn có thể mua rau dạ hiến về làm quà cho người thân, bạn bè với giả chỉ khoảng 30.000đ/1 bó
              
8: Miến dong đen
Miến dong đen Cao Bằng có sợi màu hơi đen nhưng rất trong và hơi to, sợi miến không có độ phẳng lì mà hơi sần. Công đoạn để làm ra miến dong khá cầu kỳ, củ dong riềng sau khi được thu hoạch sẽ rửa sạch, cắt bỏ rễ và các phần hỏng. Sau đó, củ dong riềng sẽ được nghiền rồi tách lấy tinh bột và loại bỏ chất bẩn. Nước bột có màu trắng trong, không có vẩn đục là đúng chuẩn. Bột được để lắng, rồi đem phơi khô, cuối cùng là thu được tinh bột dong giềng nguyên chất. Người dân nơi đây hòa bột dong riềng với nước lạnh rồi từ từ thêm nước đun sôi. Công đoạn này cần thực hiện liên tục, nhanh và đều tay để bột không bị vón cục. Bột dong chín tiếp tục được đưa vào máy ép để ép thành sợi miến dai ngon, thơm mềm. Cũng giống như rau dạ hiến, bạn có thể mua miến dong đen về làm quà với giá cả cũng rất hợp lý.
               
 

Xem thêm >>
Các bài viết khác
LÊN MỘC CHÂU ĂN GÌ???
LÊN MỘC CHÂU ĂN GÌ???
Đến với Mộc Châu bạn không chỉ bị thu hút bởi vẻ đẹp trắng tinh khôi của mùa hoa mận trắng vào vào đầu năm; màu đỏ của những của mận chín vào mùa vào hè mà ta còn bị thu hút bởi những món ăn ngon, lạ tại đây. Hôm nay chúng mình cùng dắt tay tay nhau lên Mộc Châu thưởng thức các món ăn của người dân tộc Thái, dân tộc Dao nào!!!!!!
Thắng Cố SaPa
Thắng Cố SaPa
Thắng cố Sapa đắng, hôi và khó ăn. Ăn 1 lần là nhớ mãi, ăn 2 lần có nguy cơ thèm ăn lại lần 3. Nếu lỡ ăn 3 lần rồi thì rất dễ bị nghiện món Thắng Cố Sapa này.
Đặc sản Mộc Châu thử một lần nhớ mãi mãi
Đặc sản Mộc Châu thử một lần nhớ mãi mãi
Một điểm đến lý tưởng và thú vị không chỉ bởi những danh thắng đẹp, những con người hồn hậu và chất phác mà còn bởi những món ăn ngon với hương vị cực kỳ hấp dẫn. Nếu một lần đến với Mộc Châu, bạn đừng nên chỉ quan tâm đến những đồi chè, nông trường bò sữa, những hang động đẹp, những ngọn núi cao mà hãy nhớ khám phá ẩm thực của vùng đất này.
Đặc sản bánh chưng gù Hà Giang
Đặc sản bánh chưng gù Hà Giang
Vào mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam không thể thiếu bánh chưng trên mâm cỗ, bánh chưng chính là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Mỗi dân tộc trên đất nước hình chữ S có một loại bánh chưng tượng trưng cho văn hóa của cộng đồng mình: Bánh chưng xanh, bánh chưng gấc, bánh chưng đen, bánh chưng gù,…
Hỗ trợ online !