Vào mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam không thể thiếu bánh chưng trên mâm cỗ, bánh chưng chính là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Mỗi dân tộc trên đất nước hình chữ S có một loại bánh chưng tượng trưng cho văn hóa của cộng đồng mình: Bánh chưng xanh, bánh chưng gấc, bánh chưng đen, bánh chưng gù,…
Món bánh chưng gù_một đặc sản miền đất Hà Giang không quá mới nhưng lại rất được yêu thích, nhìn chiếc bánh nhỏ bé xinh xinh, dễ ăn, dẻo thơm và ngon.
Nếu như trước đây nhắc đến Hà Giang, chúng ta luôn liên tưởng đến Mã Pí Lèng hùng vĩ, đến những đồi hoa tam giác mạch bát ngát, thì giờ đây hãy nhớ thêm 1 điều nữa_một nét ẩm thực vô cùng đặc biệt, đó là bánh chưng gù!
Bánh chưng gù không phải không phải là món ăn mới, loại bánh chưng khá phổ biến từ vài năm trước. Đây là loại bánh truyền thống của người Dao Đỏ. Bánh chưng gù có khá nhiều ưu điểm như:
Kích thước nhỏ, múp míp giống như cái lu: dễ cầm, dễ mang
Bánh chưng gù có kích thước nhỏ khá vừa đủ xinh. Bánh nho nhỏ cầm trong lòng bàn tay có cảm giác múp míp, đầy đặn, giống như chiếc lu đất đựng nước ngày xưa.
Nhưng trên thực tế, hình dáng bánh chưng gù tượng trưng cho 1 người phụ nữ Dao đang đeo gùi trên lưng. Hình ảnh khi họ cúi xuống hái lúa, hái ngô trên nương rẫy đã tạo nên hình dạng của chiếc bánh chưng này.
Bánh chỉ có 1 lớp lá gói thay vì 4 – 5 lớp như bánh chưng xanh truyền thống của người Kinh. Nhờ vậy, việc bóc bánh khá dễ dàng và nếu khéo léo bạn hoàn toàn có thể không dính tay một chút nào.
Nhìn chung, bánh không quá khác biệt so với bánh chưng vuông trừ kích cỡ nhỏ xinh, hình dáng thon dài. Phần vỏ cũng được làm bằng gạo nếp và phần nhân với đậu xanh, thịt mỡ. Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương và ngâm với nước lá dong riềng trước khi gói nên có màu xanh đều từ trong ra ngoài. Vỏ bánh khá dày và dẻo có thể là do bánh không bị nén như bánh chưng thông thường.
Phần đậu bùi bùi kết hợp với thịt ba chỉ có tỉ lệ khá hợp lý. Tiêu và muối trong nhân thịt đỗ được ướp vừa vặn, không bị hắc khi ăn. Thịt tơi, mềm màu đỏ rượu, dễ sắn chứ không bị cứng, cục.
Thêm vào đó, do chiếc bánh chưng nhỏ hơn, lượng nhân cũng ít hơn nên khi ăn bánh sẽ cho cảm giác dễ chịu hơn, đặc biệt là với những người sợ…mỡ.
Nhưng ngược lại bánh sẽ khó bảo quản…
Bánh nào cũng vậy, có ưu điểm và nhược điểm, với chiếc bánh chưng gù này cũng có một số vấn đề như bánh dẻo, hơi nhão nên khó bảo quản. Nguyên nhân đều do cách làm bánh: Bánh không được nén để giữ hình dáng “lưng gù” nên phần nếp khá tơi và dính. Nếu không gói đủ chặt tay, phần vỏ ngoài của bánh bị nhão hoặc xô gạo trong quá trình luộc bánh.
Cũng chính vì lí do này, bánh thường được làm và gửi cho khách sử dụng trong ngày. Bạn cũng không nên luộc lại bánh do dễ bị “lại gạo” khiến lớp vỏ ăn bị sượng và không ngon như ban đầu.
Nếu bạn muốn có chiếc bánh để ăn tạm khi đói, hoặc cũng có thể ăn trong mâm cỗ gia đình thì bánh chưng gù cũng là sự lựa chọn để bữa ăn thêm “đẹp” hơn!