Với kinh nghiệm của riêng mình, mình khuyên các bạn nên du lịch Myanmar càng sớm càng tốt. Đất nước này đã được gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ vào năm 2013, và từ đó đến nay, Myanmar ngày càng phát triển và mở rộng giao thương với thế giới. Cùng với sự phát triển đó, ngành du lịch cũng phát triển mạnh mẽ, càng ngày càng có nhiều du khách đến với Myanmar, yêu quý đất nước này, và quay trở lại du lịch thêm nhiều lần nữa.
Chính vì thế, song song với sự phát triển về kinh tế, ngoại giao đó, môi trường, cảnh quan sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng và xuống cấp. Rồi đây, những địa danh hoang sơ, những con người chân chất liệu có bị thương mại hóa, du lịch hóa hay không? Rất khó để mà nói không. Vậy nên, bạn hãy lên kế hoạch du lịch đất nước “sống chậm” trong khu vực Đông Nam Á này càng sớm càng tốt, trước khi bị lớp bụi mờ của đồng tiền phủ lên trên.
Những lưu ý khi du lịch bụi Myanmar, rút ra từ kinh nghiệm và kiến thức tổng hợp của riêng mình:
1. Trước tiên là thị thực (visa).
Thị thực có thể hiểu giống như chiếc giấy tạm trú khi bạn du lịch ở nước ngoài. Myanmar miễn thị thực cho người Việt Nam du lịch trong vòng 14 ngày, ra vào một lần, nhưng với điều kiện là bạn phải nhập và xuất cảnh bằng đường hàng không. Nhớ đó.
2. Vé máy bay đi Myanmar
Tùy thời gian bay, thời gian mua vé, bạn cũng có thể tìm vé rẻ bay sang Thái Lan, Malaysia (Air Asia, Malindo Air, Vietjet Air, Malaysia Airline, Vietnam Airlines), rồi từ đó bay sang Myanmar (Rio Sul, Malaysia Airline, Bangkok Airways, Myanmar Airways, Thai Airways).
Nếu như bạn có nhiều thời gian, nhưng lại bị hạn chế về tài chính, thì đi đường bộ là lựa chọn hợp lý. Có thể kết hợp một chuyến dài nhiều quốc gia Đông Nam Á luôn. Từ Sài Gòn, bạn có thể đi đường bộ sang Campuchia, hoặc Lào, rồi sang Thái Lan, và qua Myanmar.
Lưu ý khi đi du lịch Myanmar bằng đường bộ, bạn phải xin thị thực Myanmar (giấy rời, hoặc thị thực điện tử đều được) với giá 50 đô la Mỹ (USD), được 30 ngày, một lần ra vào.
3. Chuẩn bị đồ du lịch Myanmar
Các bạn nhớ mang theo quần áo gọn nhẹ. Nên mang theo mũ nón nhỏ gọn, khăn choàng để tránh nắng, tránh nóng, và đi xe đêm có thể làm mền (thường xe đêm mở máy lạnh rất lạnh).
Đặc biệt, nên mang theo dép lê thoải mái, êm chân, vì thứ nhất sẽ đi bộ nhiều, không nên mang giày vì sẽ không tiện khi vào tham quan các chùa chiềng, bạn buộc lòng phải cởi bỏ giày dép, tất vớ. Và chùa ở Myanmar thường rất rộng, có nhiều cổng ra vào, nên bạn hãy mang theo một chiếc túi quai xách hoặc đeo chéo (túi vải càng tốt, bảo vệ môi trường) để có thể bỏ luôn dép vào đó xách theo, rồi muốn ra cổng nào thì đi ra luôn, không cần phải đi ngược lại để lấy dép.
Ngoài ra, nên mang theo một số các loại váy dài hay quần dài, áo có tay, tóm lại không phải là trang phục hở hang vì đây là quốc gia Phật giáo, chùa chiền ở khắp mọi nơi. Khi vào tham quan chùa, bạn buộc phải mặc đồ dài quá gối, không áo sát nách, không rách te tua, nếu không muốn tốn tiền thuê khăn để choàng vô người.
4. Đổi tiền tệ trước khi du lịch Myanmar
Nên đổi tiền ở sân bay vì so ra vẫn có tỉ giá tốt mà lại an toàn. Nên mang tiền USD từ Việt Nam, hơn là đổi tiền Kyat Myanmar tại Việt Nam, vì sẽ bị thiệt về tỉ giá. Lưu ý là tiền đô phải là loại mới, tiền mới, thẳng thớm, không một tì vết trên tờ tiền nha.
6. Ăn uống ở Myanmar
Liên quan đến vấn đề ăn uống, vì tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ở Myanmar cũng không khá hơn Việt Nam bao nhiêu, mà hàng hóa Trung Quốc cũng kha khá nhiều, do đó, bạn nên mang theo thuốc chống đau bụng, tiêu chảy, bên cạnh những loại thuốc mà bạn hay dùng.
7. Về việc mua sắm
Myanmar nổi tiếng với các mặt hàng đá quý, đá phong thủy. Nhiều bạn sang đây du lịch kết hợp mua sắm về bán lại. Nhưng hàng thật giả sẽ lẫn lộn, bạn khó lòng phân biệt nếu không phải có chút kiến thức. Do đó, nên mua ở những cơ sở lớn, uy tín, bắt buộc phải lấy phiếu mua hàng, phòng khi xuất cảnh hải quan sẽ hỏi.
Myanmar cũng có các tượng phật trang trí cũ kỹ và cổ kính, nhìn rất có hồn. Nhưng có thông tin là hải quan sẽ không cho phép mang ra khỏi đất nước.
Nếu mua quà cho người ở nhà, bạn nên mua các món đồ lưu niệm nho nhỏ như con rối dây, vòng tay, nhẫn, hoa tai bạc… Ngoài ra, trà sữa gói Myanmar được bán ở các siêu thị hay quầy hàng tại sân bay cũng rất ngon (mình mua về, nghe đồng nghiệp mình uống rồi nói vậy chứ mình thuần chay).
8. Xuất nhập cảnh tại Myanmar
Liên quan tới việc xuất cảnh, sân bay Myanmar kiểm tra rất kỹ lưỡng. Lúc nhập cảnh thì không sao, nhưng lúc xuất cảnh, cứ qua bất kỳ một cái cửa nào thì đều có người kiểm tra cả hành lý lẫn người.
Một vấn đề nữa là có bạn kể rằng không được mang tiền Kyat ra khỏi Myanmar, nhưng mình nghĩ là số tiền lớn thôi (còn lớn tới đâu thì không rõ). Bằng chứng là mình vẫn còn dư khoảng 50.000 Kyat và mang lên máy bay về Việt Nam bình thường.
- Nguồn : An Vietnam